Cây xương rồng: đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc

5/5 - (101 bình chọn)

Cây xương rồng không còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên xương rồng ngày nay đã được thuần hóa và có nhiều hình dạng bắt mắt, đáng yêu được dùng để trang trí bàn học, bàn làm việc, kệ sách, …

Cây xương rồng

Đặc điểm cây Xương rồng

Xương rồng được biết đến là loài cây của sa mạc, với dáng vẻ đầy gai độc đáo và sức sống phi thường giữa môi trường khắc nghiệt. Nhưng ngày nay, nhiều loài xương rồng đáng yêu, bắt mắt với vô vàng hình dạng, màu sắc và khả năng thích nghi với môi trường đa dạng hơn đã được trình làng. Vì thế bạn có thể chọn một chậu để trang trí cho khu vườn, nhà cửa hay thậm chí là không gian làm việc đấy!

Đặc điểm cây Xương rồng

Tổng quan về cây Xương rồng

  • Tên thông thường: Cây Xương rồng
  • Tên khoa học: Cactaceae
  • Tên tiếng Anh: Cactus (số ít), Cacti hoặc Cactuses (số nhiều)
  • Họ: Cactaceae
  • Nguồn gốc: Chủ yếu từ châu Mỹ, phân bố rộng khắp từ Canada đến Patagonia.
  • Phân bổ: Thường mọc ở các vùng đất khô cằn, nóng như hoang mạc, sa mạc, vùng bán sa mạc, núi đá hoặc những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Hiện nay, nhờ sự di chuyển của con người, nhiều loài xương rồng đã thích nghi và được trồng ở nhiều môi trường đa dạng trên khắp thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Cây xương rồng là loài thực vật thuộc họ Cactaceae, là cây mọng nước. Xương rồng có nguồn gốc chủ yếu từ châu Mỹ, từ Canada đến Patagonia. Một số ít loài cũng được tìm thấy ở châu Phi và Sri Lanka. Chúng thường sống ở các vùng sa mạc, bán sa mạc, núi đá, hoặc những nơi có điều kiện khô hạn.

Xương rồng có đến 1.750 loài, nên hình dáng và kích thước vô cùng đa dạng và phong phú, có loài chỉ nhỏ bé vài centimet nhưng cũng có cây khổng lồ cao hàng chục mét.

Xương rồng là bậc thầy trong việc thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt nhất. Những đặc điểm ngoại hình tưởng chừng gai góc, thô ráp lại chính là chìa khóa giúp chúng tồn tại và phát triển:

  • Thân cây mọng nước: Tùy loài, thân cây có thể dạng cột cao vút trên 15 mét, dạng bụi thấp hoặc phân thành nhiều nhánh với hình dáng độc đáo. Thân cây dày, có khả năng chứa một lượng lớn nước dự trữ, giúp cây vượt qua những đợt hạn kéo dài.
  • Lá tiêu biến thành gai nhọn: Thay vì những chiếc lá mềm mại dễ bị mất nước dưới cái nắng gay gắt, lá của xương rồng đã tiến hóa thành gai. Gai giúp giảm tối đa sự thoát hơi nước, bảo vệ cây khỏi bị động vật ăn và thậm chí là giúp thu gom sương đêm nhỏ giọt xuống rễ.
  • Hoa rực rỡ: Đằng sau vẻ ngoài gai góc, xương rồng sở hữu những bông hoa vô cùng xinh đẹp và lộng lẫy. Hoa xương rồng có đủ màu sắc từ vàng, đỏ, hồng, tím đến trắng, với kích thước đa dạng từ 5 đến 30 cm. Hoa xương rồng thường ít nở, và khoảnh khắc chúng khoe sắc luôn mang đến sự ngạc nhiên và thích thú. Nhiều loài có tập tính nở hoa vào ban đêm, tạo nên vẻ đẹp huyền ảo dưới ánh trăng.
  • Quả và hạt: Sau khi hoa tàn, xương rồng tạo quả chứa nhiều hạt nhỏ bên trong. Quả của một số loài có thể ăn được, như quả thanh long mà chúng ta vẫn thường thưởng thức.
  • Hệ thống rễ chuyên biệt: Để tồn tại ở nơi đất đai khô cằn, hệ thống rễ của xương rồng phát triển theo hai hướng chính là rễ nông và lan rộng sát mặt đất để nhanh chóng hấp thụ bất kỳ lượng nước mưa nào có được, hoặc phát triển rễ củ sâu để dự trữ nước lâu dài.

Thế giới xương rồng vô cùng đa dạng với khoảng 127 chi và 1.750 loài. Mỗi loài mang một vẻ đẹp và đặc điểm riêng:

  • Xương rồng ba cạnh (Euphorbia antiquorum, mặc dù thuộc họ Thầu dầu nhưng có hình dáng giống xương rồng và thường được gọi là xương rồng ba cạnh)
  • Xương rồng bát tiên (Euphorbia milii, cũng thuộc họ Thầu dầu)
  • Xương rồng tai thỏ (Opuntia microdasys)
  • Xương rồng lê gai (Opuntia ficus-indica)
  • Xương rồng đá
  • Xương rồng trứng cút (Mammillaria)
  • Xương rồng càng cua (Schlumbergera)
  • Xương rồng Kim Hổ (Echinocactus grusonii)

Ý nghĩa

Trong phong thủy, Xương rồng tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự kiên cường, khả năng chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong tình yêu, nó mang ý nghĩa về một tình yêu thầm lặng, bền bỉ và chân thành. Và nếu cây nở hoa thì chúc mừng gia chủ vì đó là báo hiệu điềm lành, biểu tượng cho sự thành công và may mắn.

Ý nghĩa cây xương rồng

Ý nghĩa cây xương rồng qua đặc tính của cây:

  • Sự kiên cường, sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan: Nhờ vào khả năng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt giúp xương rồng trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho ý chí, sự vươn lên, không khuất phục trước khó khăn. Không chỉ có sức sống mãnh liệt, xương rồng còn sở hữu vẻ ngoài gai góc, mạnh mẽ bất khả xâm phạm. Trái ngược vở sự khô khan vốn có, xương rồng lại tràn đầy nhựa sống được che đậy bởi lớp gai khô ráp bên ngoài, chính vì thế người ta tin rằng xương rồng mạnh mẽ, kiên cường nhưng không kém phần lạc quan.
  • Tình yêu thầm lặng, chung thủy: Xương rồng cũng được xem là biểu tượng của một tình yêu thầm lặng nhưng sâu sắc và bền bỉ theo thời gian, giống như vẻ ngoài gai góc nhưng bên trong lại mọng nước và đôi khi lại nở ra những bông hoa rực rỡ làm xao xuyến lòng người.
  • Hóa giải sát khí: Trong phong thủy, xương rồng được cho là có khả năng hóa giải sát khí. Tuy nhiên, do có nhiều gai nhọn nên vị trí đặt cây cần được cân nhắc. Thường xương rồng được đặt ở ngoài trời, ban công hoặc gần cửa sổ để ngăn chặn năng lượng tiêu cực. Tránh đặt trong nhà hoặc trên bàn làm việc vì có thể tạo ra năng lượng không tốt.

Mệnh, tuổi hợp cây Xương rồng

Theo các chuyên gia phong thủy, Xương rồng loài cây biểu tượng cho sức sống bất diệt, cây đặc biệt phù hợp với những người thuộc mệnh Kim và mệnh Thủy.

  • Những người mệnh Kim khi trồng xương rồng được cho là sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ trong việc giải trừ những điều không may, đẩy lùi tiểu nhân quấy phá, từ đó thu hút tài lộc và vượng khí tốt đẹp đến cho gia chủ.
  • Những người mệnh Thủy, vốn có tính cách ôn hòa và khả năng thích ứng cao, xương rồng lại càng là sự lựa chọn tuyệt vời. Giống như xương rồng kiên cường vươn lên trong mọi hoàn cảnh, người mệnh Thủy tìm thấy sự đồng điệu và nguồn năng lượng tương hỗ từ loài cây này, giúp họ vững vàng và thành công trên con đường mình đi.

Cây xương rồng còn được cho là rất hợp với những người tuổi Thìn. Có lẽ bởi vẻ ngoài mạnh mẽ, gai góc của xương rồng phần nào gợi liên tưởng đến hình ảnh uy dũng của loài rồng. Trồng xương rồng có thể giúp người tuổi Thìn hóa giải bớt những điều xui rủi, đồng thời mang lại may mắn và hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp, sức khỏe và cả đường tình duyên của họ.

Tác dụng

Cây xương rồng có nhiều tác dụng với đời sống của con người, đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe, được cả y học cổ truyền và hiện đại công nhận.

Chậu cây Xương rồng bát tiên trụ lùn nền cỏ
Chậu cây Xương rồng bát tiên trụ lùn nền cỏ
  • Trang trí: Với hình dáng đa dạng, độc đáo và sức sống bền bỉ, xương rồng được trồng để tô điểm cho không gian sống và làm việc như nhà ở, văn phòng, quán cà phê, sân vườn.
  • Giúp ngủ ngon hơn: Nhiều loài xương rồng sử dụng một kiểu quang hợp đặc biệt gọi là CAM (Crassulacean Acid Metabolism), cho phép chúng mở khí khổng vào ban đêm để lấy CO2 và đóng lại vào ban ngày để giảm mất nước.
  • Thanh lọc không khí và giảm bức xạ: Mặc dù cần thêm nghiên cứu khoa học sâu rộng, nhưng có nhiều quan niệm cho rằng xương rồng có khả năng hấp thụ một phần các tia bức xạ phát ra từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, giúp cải thiện chất lượng không khí trong môi trường đặt cây.
  • Làm thực phẩm: Quả và thân non của một số loài xương rồng có thể ăn được và được chế biến thành các món ăn hoặc đồ uống bổ dưỡng. Ví dụ điển hình là quả thanh long, vốn là quả của một loại xương rồng.
  • Trong y học cổ truyền: Một số bộ phận của cây xương rồng đã được sử dụng trong các bài thuốc dân gian với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng này cần hết sức cẩn trọng và tốt nhất là có sự hướng dẫn của thầy thuốc hoặc chuyên gia, do nhựa xương rồng có thể chứa độc tố. Một số tác dụng được dân gian truyền tụng bao gồm: giúp hỗ trợ điều trị một số vấn đề về xương khớp, có tác dụng tiêu thũng, sát khuẩn, hỗ trợ chữa mụn nhọt, được dùng trong các bài thuốc trị táo bón, nhựa cây được dùng ngoài da để trị nấm hoặc mụn cóc trong y học dân gian (cần cực kỳ cẩn trọng).

*Khuyến cáo y khoa: Những thông tin sức khỏe chỉ mang tính chất tham khảo. Bất kỳ thuốc hoặc vấn đề sức khỏe nào cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn, tuyệt đối không được tự ý sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vị trí đặt cây xương rồng thích hợp

Theo các quan niệm phong thủy, cây xương rồng với vẻ ngoài gai góc của mình lại là biểu tượng mạnh mẽ cho sự bảo vệ và trấn giữ. Do đó, những vị trí lý tưởng nhất để đặt xương rồng thường là ở bên ngoài ngôi nhà hoặc những nơi cần hóa giải năng lượng tiêu cực:

Chậu Xương rồng chậu thuyền mix
  • Sân trước, sân sau, hoặc phía trước cửa nhà: Đây là những vị trí tuyệt vời để đặt xương rồng, giúp tạo thành một “tấm lá chắn” tự nhiên, bảo vệ ngôi nhà của bạn khỏi những luồng khí xấu, những điều không may mắn từ bên ngoài xâm nhập vào.
  • Ban công: Tương tự như khu vực cửa ra vào, đặt xương rồng ở ban công giúp ngăn chặn năng lượng tiêu cực ảnh hưởng đến không gian sống phía trong.
  • Phòng tắm: Trong một số trường hợp, đặt xương rồng nhỏ trong phòng tắm cũng được xem là cách hiệu quả để loại bỏ khí xấu và ẩm thấp tích tụ, thanh lọc không gian này.

Ngoài ra, một ý nghĩa đặc biệt khác là đặt xương rồng ở phía trước mộ. Với sức sống bền bỉ vượt qua mọi điều kiện, xương rồng tại vị trí này thể hiện lòng kính trọng và lời cầu chúc cho người đã khuất có được cuộc sống mạnh khỏe, an yên ở thế giới bên kia.

Nếu xem xét hướng đặt cây, thì hướng Tây Bắc được xem là hướng có năng lượng không tốt trong phong thủy. Đặt xương rồng ở hướng Tây Bắc được cho là có khả năng trấn áp và tiêu diệt nguồn năng lượng tiêu cực tại vị trí này.

Những vị trí nên tránh khi đặt cây xương rồng trong nhà:

Mặc dù mang nhiều ý nghĩa tích cực, nhưng với đặc điểm nhiều gai nhọn, xương rồng không phải lúc nào cũng phù hợp để đặt ở mọi không gian bên trong nhà. Các chuyên gia phong thủy thường khuyên nên tránh đặt xương rồng ở những vị trí sau:

  • Phòng khách: Đặt xương rồng ở phòng khách có thể làm suy yếu nguồn năng lượng tốt, vốn là nơi các thành viên trong gia đình sum họp, thư giãn và tích lũy vượng khí.
  • Bàn làm việc hoặc trong phòng làm việc: Sự hiện diện của gai nhọn được cho là có thể tạo ra năng lượng đối kháng, gây ra những trắc trở, khó khăn và bất lợi cho công việc, khiến con đường sự nghiệp gặp nhiều cản trở.
  • Phòng ngủ: Đặt xương rồng trong phòng ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa khí gia đình, gây ra sự bất hòa, xung đột giữa vợ chồng do đặc tính “gai góc”, tượng trưng cho sự đối đầu.
  • Bên trong văn phòng (khu vực lãnh đạo): Việc này được xem là không tốt cho người đứng đầu công ty, có thể mang đến những điều kém may mắn, cản trở sự phát triển và gây hao tổn cho doanh nghiệp.

Xem xét về lợi ích, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết: “xương rồng là cây cảnh đẹp, dễ trồng và chăm sóc. Loài cây này giúp thanh lọc bức xạ từ tivi, máy tính và những chất độc hại khác. Xương rồng cũng làm giảm nồng độ formaldehyde, một trong những chất gây ô nhiễm không khí phổ biến nhất, vốn được sử dụng nhiều trong các vật liệu như gỗ dán, thảm, nhựa gỗ, thuốc xịt, sơn…” (Xem chi tiết: Bài chia sẻ)

Vì thế Lương y khuyến khích đặt cây trong phòng ngủ, gần tivi, bàn làm việc để góp phần thanh lọc không khí và bảo vệ sức khỏe cho gia chủ. Tuy nhiên, như đã trình bày xét về khía cạnh phong thủy thì không phù hợp. Vì thế, có rất nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này, bạn hãy xem xét và chọn theo sở thích và quan điểm của mình nhé!

Cách chăm sóc cây Xương rồng

Chăm sóc cây xương rồng tương đối dễ vì chúng là loài cây chịu hạn tốt. Tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa, bạn cần chú ý một số yếu tố sau:

  • Ánh sáng: Xương rồng rất ưa ánh sáng mặt trời trực tiếp, chúng cần ít nhất 6 tiếng nắng mỗi ngày để phát triển tốt. Vì thế, vị trí đặt cây lý tưởng là cửa sổ hướng Nam hoặc Tây, ban công, sân thượng có nhiều nắng. Tuy nhiên, Một số loài xương rồng rừng (như xương rồng Giáng Sinh, xương rồng Thanh Long non) có thể ưa bóng râm một phần.
  • Nước tưới: Dùng ngón tay ấn sâu xuống đất khoảng 2-3 cm, nếu thấy khô thì mới tưới. Khi tưới, hãy tưới đẫm cho nước chảy ra hết qua lỗ thoát nước ở đáy chậu.
  • Nhiệt độ và Độ ẩm: Xương rồng thích ấm áp, ưa không khí khô ráo và thoáng đãng. Nhiệt độ lý tưởng ban ngày khoảng 21-35°C, vì thế tránh đặt cây ở nơi ẩm thấp.
  • Đất trồng: Đất phải thoát nước tốt. Hỗn hợp có thể dùng là đất thịt + xỉ than đập vụn + phân trùn quế + đá perlite/pumice.
  • Phân bón: Xương rồng không cần nhiều phân bón. Dùng phân bón chuyên dụng cho xương rồng và cây mọng nước, có hàm lượng Nito (N) thấp, Kali (K) và Phốt pho (P) cao hơn.
  • Thay chậu: Khoảng 2-4 năm/lần, hoặc khi thấy rễ đã lấp đầy chậu, cây phát triển chậm lại, đất trồng cũ đã bạc màu. Lưu ý sau khi thay chậu, không tưới nước ngay, để cây ở nơi râm mát khoảng 1 tuần cho vết thương ở rễ lành lại rồi mới tưới nhẹ.

Cách trồng cây Xương rồng

Cây xương rồng là loài cây có sức sống mãnh liệt và dễ trồng.

Cách trồng cây Xương rồng
  • Xử lý cây xương rồng: Sau khi mua bầu cây xương rồng về, nhẹ nhàng bóp quanh bầu đất để làm lỏng đất để lấy câu ra. Rồi nhẹ nhàng gỡ bỏ lớp đất cũ, bạn có thể cắt bỏ những rễ bị hư, thối. Sau đó đặt cây ở nơi khô ráo, thoáng mát trong khoảng 1-3 ngày để các vết thương trên rễ khô lại, giúp ngăn ngừa nấm bệnh xâm nhập khi trồng vào đất mới.
  • Trồng cây: Đặt cây vào giữa chậu, sao cho phần gốc cây (nơi thân tiếp xúc với rễ) ngang bằng hoặc hơi cao hơn miệng chậu một chút, vì sau khi tưới đất sẽ lún xuống. Rồi cho đất vào chậu cho đến khi lấp đầy miệng chậu, và nhẹ nhàng ấn nhẹ đất xung quanh gốc để cây đứng vững. Lưu ý, KHÔNG TƯỚI NƯỚC CHO CÂY, mà hãy đợi khoảng 5-7 ngày (hoặc thậm chí lâu hơn nếu thời tiết ẩm) rồi mới tưới nước lần đầu tiên cho cây.
  • Chăm sóc cây sau khi trồng: Đặt cây ở nơi có ánh sáng gián tiếp, râm mát trong khoảng 1 tuần đầu để cây quen dần với môi trường mới. Sau đó, từ từ chuyển cây ra nơi có nhiều ánh nắng hơn. Hầu hết xương rồng ưa nắng trực tiếp.

Cây xương rồng từ xa xưa đã rất quen thuộc với người Việt Nam, và ngày nay cây càng được yêu quý nhờ du nhập nhiều giống đẹp, đáng yêu và thậm chí không có gai. Ngoài ra, cây còn là loại cây thanh lọc không khí tuyệt vời tuy nhiên trong phong thủy thì lại không khuyến khích trồng xương rồng trong nhà vì hình dáng xù xì và gai nguy hiểm của cây. Vì thế, bạn hãy lắng nghe sở thích và quyết định chậu cây phù hợp với mình nhé!

Bài viết liên quan

Có nên chọn cây xương rồng cảnh để bàn làm việc? Và lợi ích của cây!

Xương rồng cảnh còn mang ý nghĩa phong thủy tốt, đem lại may mắn và...

Có nên trồng sen đá trong nhà không, có hợp phong thủy không?

Sen đá với vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng được rất nhiều người yêu thích....

Có nên trồng xương rồng trong phòng ngủ không? Có hợp phong thủy không?

Xương rồng là một loài cây mạnh mẽ mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Bạn...

Hướng dẫn kỹ thuận trồng và cách chăm sóc xương rồng

Cây xương rồng là những cây có cách trồng đơn giản và dễ chăm sóc...

Liệu có nên trồng xương rồng trong nhà không? Vì sao?

Xương rồng là cây cảnh trong nhà được rất nhiều người yêu thích. Nhưng không...

ST những câu nói hay về hoa xương rồng cực hay

Dù Xương Rồng là loài cây đầy gai nhọn mọc quanh nhưng hoa của chúng...

Top 10 các loại xương rồng đẹp, được yêu thích hiện nay

Hiện nay, xương rồng có đến 1.800 loài với đa dạng hình dáng, kích thước...