Thiết mộc lan là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp mạnh mẽ nhưng không kém phần duyên dáng, thanh tao. Trong phong thủy, cây còn là biểu tượng của tài lộc, may mắn và thịnh vượng. Vì thế, Thiết mộc lan hiển nhiên trở thành một trong những cây cảnh nội thất phổ biến để trang trí không gian sống và làm quà tặng ý nghĩa.

Đặc điểm cây Thiết mộc lan
Thiết mộc lan, còn được gọi là cây Phát tài khúc hay Phất dụ thơm. Thân thẳng đứng và vững chãi, kiêng cường, thấp thoáng những chiếc lá xanh thẫm mọc thành chùm xòe rộng như những chiếc nơ duyên dáng, tươi tắn và rạng rỡ. Đặc biệt, nhiều loại Thiết Mộc Lan có sọc vàng nổi bật chạy dọc theo phiến lá, tạo nên điểm nhấn bắt mắt cho không gian.

Thông tin chung:
- Tên thông thường: Cây Thiết Mộc Lan
- Tên khác: Cây Phát tài khúc, Phất dụ thơm
- Tên khoa học: Dracaena fragrans
- Tên tiếng Anh: Corn Plant
- Họ: Dracaenaceae
- Nguồn gốc: Khu vực nhiệt đới Tây Phi
- Phân bổ: Được trồng phổ biến ở nhiều vùng nhiệt đới trên thế giới, đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam.
Cây Thiết Mộc Lan có thân gỗ thẳng, chắc chắn, tượng trưng cho sự kiên định, vững vàng. Một đặc điểm độc đáo là khi thân cây bị cắt ngang, từ vị trí đó sẽ mọc ra những mầm non xanh mơn mởn, thể hiện sức sống phi thường và sự tái sinh, không ngừng phát triển. Khi được trồng trong đất, thiết mộc lan có thể cao đến 6m.
Lá của Thiết Mộc Lan là điểm nhấn đầy thu hút. Lá dài, có hình lưỡi kiếm hoặc dải băng, mọc tập trung ở đỉnh thân hoặc các cành nhánh, tạo thành tán lá xòe rộng như những bông hoa xanh khổng lồ. Lá có màu xanh bóng mượt, và ở nhiều giống phổ biến như ‘Massangeana’, lá còn có sọc màu vàng tươi hoặc trắng kem chạy dọc theo chiều dài, tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ. Lá cây mềm mại và hơi cong rủ xuống, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.
Trong điều kiện chăm sóc lý tưởng, cây Thiết Mộc Lan có thể nở hoa, có màu trắng hoặc vàng nhạt. Đặc biệt, hoa tỏa ra hương thơm ngào ngạt vào ban đêm – lý do khiến cây còn có tên là “Phất Dụ Thơm” và tên khoa học chứa từ “fragrans” (nghĩa là thơm). Trong phong thuỷ, cây nở hoa được cho là báo hiệu tài lộc đang đến với gia chủ. Tuy nhiên, thiết mộc là là một trong những loài cây hiếm cho hoa trong thời tiết lạnh giá, thường ra hoa vào lúc tiết trời chuyển từ đông sang xuân.
Cây có hệ rễ chùm khỏe mạnh, thích nghi tốt với đất ẩm và thoát nước. Cây bền bỉ và dễ chăm sóc là một yếu tố để trở thành cây để bàn được yêu thích.
Thiết Mộc Lan có một số phân loại phổ biến được trồng làm cảnh:
- Thiết mộc lan lá sọc vàng: Phổ biến nhất với lá xanh viền sọc vàng nổi bật.
- Thiết mộc lan lá xanh hoàn toàn: Lá có màu xanh đồng nhất, thường thấy ở cây trồng trong bóng râm.
- Thiết mộc lan gốc to: Thân to khỏe, thường được cắt tạo dáng bộ 3, 5 thân mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc.
- Thiết mộc lan gốc nhỏ: Kích thước nhỏ gọn, thích hợp làm cây để bàn, trang trí không gian nhỏ.
Thiết Mộc Lan không chỉ là một loại cây cảnh đẹp mắt mà còn mang nhiều ý nghĩa tích cực, cũng như có nhiều tác dụng tuyệt vời trong đời sống con người.
Ý nghĩa
Thiết Mộc Lan không chỉ tô điểm cho không gian thêm xanh tươi mà còn mang đến tài lộc, bình an và hạnh phúc cho gia đình bạn.
- Không ngẫu nhiên mà Thiết Mộc Lan còn được trìu mến gọi là cây “Phát Tài”. Tên gọi này có ý nghĩa mang đến tiền tài, may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.
- Nhờ khả năng sinh trưởng mãnh liệt và tái sinh chỉ từ một đoạn thân nên Thiết Mộc Lan còn tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, tài lộc dồi dào.
- Dáng cây vươn thẳng hiên ngang thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
- Trong phong thuỷ, màu xanh còn giúp mang lại sinh khí, năng lượng tích cực và cảm giác thư thái, bình an cho không gian. Vì thế, nhiều người tin rằng cây có khả năng giúp hấp thụ năng lượng xấu, bảo vệ ngôi nhà khỏi những điều không may.
Ngoài những ý nghĩa chính trên thì số lượng cành trong chậu thiết mộc lan cũng có những ý nghĩa đặc trưng riêng.
Ý nghĩa số lượng cành Thiết Mộc Lan:
- 2 cành: Biểu tượng của tình yêu đôi lứa trọn vẹn, may mắn.
- 3 cành: Tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn.
- 5 cành: Đại diện cho sức khỏe dồi dào.
- 8 cành: Mang ý nghĩa phát tài, phát lộc dồi dào.
- 9 cành: Tượng trưng cho sự đủ đầy, viên mãn về mọi mặt, thời vận tốt đẹp.
Về mặt ngũ hành, Thiết Mộc Lan thuộc hành Mộc, rất hợp với những người mệnh Mộc và đặc biệt tương sinh mạnh mẽ với người mệnh Hỏa, giúp gia tăng vượng khí và tài lộc. Để cây phát huy tối đa năng lượng phong thủy, hướng đặt cây lý tưởng là hướng Đông hoặc Đông Nam của ngôi nhà – những hướng tượng trưng cho sự khởi đầu, phát triển và thịnh vượng.
Tác dụng
Thiết Mộc Lan không chỉ sở hữu vẻ đẹp trang nhã, mà còn có công dụng thanh lọc không khí giúp mang đến bầu không khí trong lành và ý nghĩa phong thủy tốt đẹp.
- Trang trí: Với thân thẳng, lá mềm mại rủ xuống và sắc xanh tươi tắn, Thiết Mộc Lan dễ dàng hòa hợp và giúp bừng sáng mọi không gian nội thất, từ phòng khách sang trọng đến góc làm việc yên tĩnh hay sảnh văn phòng hiện đại.
- Thanh lọc không khí: Theo nghiên cứu của NASA, cây Thiết Mộc Lan có khả năng hấp thụ và loại bỏ nhiều loại độc tố bay hơi có hại trong không khí như carbon monoxide, benzen và formaldehyde. Đây là những hóa chất thường có trong đồ nội thất, vật liệu xây dựng hay khói thuốc, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, trồng Thiết Mộc Lan giúp không gian sống của bạn trong lành hơn, và góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
*Lưu ý độc tính: Nhựa cây Thiết Mộc Lan có chứa saponin, một chất có thể gây kích ứng đường tiêu hóa nếu vật nuôi (đặc biệt là chó và mèo) vô tình ăn phải lá cây. Các triệu chứng có thể bao gồm nôn mửa, chảy nước dãi nhiều, chán ăn hoặc có vẻ mệt mỏi. Đối với con người, độc tính này thường không đáng kể khi tiếp xúc thông thường, nhưng những người có làn da nhạy cảm nên tránh tiếp xúc trực tiếp với nhựa cây. Để đảm bảo an toàn cho thú cưng, cách tốt nhất là đặt chậu cây ở những vị trí ngoài tầm với của chúng.
Cách chăm sóc cây Thiết mộc lan
Cây có sức sống rất bền bỉ, dễ chăm, có thể sống tốt trong điều kiện thiếu sáng. Chỉ cần một cành nhỏ cắm xuống đất cũng có thể phát triển thành cây lớn khỏe mạnh.
- Ánh sáng: Ưa ánh sáng gián tiếp, ánh sáng tán xạ, và tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp gay gắt vì có thể làm cháy lá. Nếu để trong nhà thiếu sáng, cây sẽ phát triển yếu, lá nhạt màu.
- Nước: Tưới nước khi bề mặt đất se khô khoảng 1-2 đốt ngón tay. Tưới vừa đủ ẩm, tránh tưới quá nhiều gây úng rễ. Nên dùng nước sạch, nước mưa hoặc nước để qua đêm để giảm clo và florua trong nước vì cây khá nhạy cảm với các chất này, và có thể gây cháy đầu lá.
- Đất: Ưa đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Có thể dùng hỗn hợp đất thịt, trấu hun, xơ dừa, phân trùn quế.
- Nhiệt độ: Phát triển tốt ở nhiệt độ phòng bình thường từ 18-25°C. Nhưng tránh nơi có gió lùa mạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Độ ẩm: Ưa độ ẩm trung bình đến cao. Nếu không khí quá khô như trong phòng điều hòa, có thể phun sương cho lá hoặc đặt khay nước sỏi dưới chậu.
- Phân bón: Bón phân loãng định kỳ 1-2 tháng/lần vào mùa sinh trưởng. Có thể dùng phân NPK cân bằng hoặc phân hữu cơ.
- Cắt tỉa: Có thể cắt ngọn để cây phân nhánh và duy trì chiều cao mong muốn.
Nhân giống cây Thiết mộc lan
Cây Thiết Mộc Lan rất dễ nhân giống. Và giâm cành là cách nhân giống giúp cây nảy mầm nhanh, cho tỷ lệ sống cao và tạo điều kiện cho mầm mới sinh trưởng tốt. Thời điểm nhân giống thích hợp là khi cây đang trong giai đoạn sinh trưởng mạnh.
Hướng dẫn giâm cành Thiết mộc lan:
Bước 1 – Cắt cành:
- Có thể cắt cành ngọn hoặc thân. Đối với đoạn thân, bạn có thể đánh dấu đầu trên đầu dưới để tránh cắm ngược. Còn cành ngọn, có thể tỉa bớt lá ở phần gốc, chỉ để lại vài lá ở ngọn để giảm thoát hơi nước.
- Dùng dao/kéo sắc cắt cành thành từng đoạn dài khoảng 15-20cm. Mỗi đoạn nên có ít nhất 2-3 mắt ngủ, mắt ngủ là nơi sẽ mọc rễ và chồi mới. Lưu ý nên cắt nhanh gọn để cây không bị dập nát.
Bước 2 – Xử lý cành giâm:
- Để cành giâm ở nơi thoáng mát, râm khoảng 1-2 ngày cho vết cắt se lại để giúp giảm nguy cơ thối nhũn.
- Bôi lên các đầu cây sơn chống thấm hoặc vôi để giúp đầu cây không bị thấm nước làm mục nát, hư hỏng và tạo thẩm mỹ.
Bước 3 – Giâm cành vào giá thể:
- Chuẩn bị hỗn hợp đất trồng tơi xốp và thoát nước tốt gồm Đất thịt nhẹ + trấu hun + xơ dừa/mùn cưa.
- Cắm phần gốc cành giâm sâu khoảng 5-7cm (hoặc 1/3 chiều dài cành) vào giá thể. Sau đó, nén nhẹ đất xung quanh gốc để cành đứng vững.
- Tưới đẫm nước đến khi nước chảy ra lỗ đáy của chậu cây là được.
Bước 4 – Chăm sóc sau giâm:
- Đặt chậu/khay giâm ở nơi râm mát, có ánh sáng tán xạ, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Giữ ẩm đều cho giá thể nhưng không để úng nước. Có thể dùng bình xịt phun sương lên lá (nếu có) và bề mặt giá thể.
Khoảng 3-6 tuần, cành giâm sẽ bắt đầu ra rễ và nảy chồi mới. Khi cây con đã có rễ khỏe và vài lá mới, bạn có thể chuyển sang chậu lớn hơn hoặc trồng ra vị trí cố định.
*Lưu ý: Nếu giâm cành bằng thủy sinh thì ở bước 3 chỉ cần đặt phần gốc cành giâm vào ly/bình nước sạch, nước ngập khoảng 5-7cm. Sau đó, thay nước thường xuyên (2-3 ngày/lần) để tránh nước bị thối. Còn những bước khác thì tương tự như trồng đất.
Thiết mộc lan mang vẻ đẹp tươi tắn, thanh thoát và sang trọng rất thích hợp để trang trí nội thất, cây có kích thước nhỏ để bàn và kích thước lớn hơn để trước cửa, hành lang, góc phòng, … Vì thế, nếu yêu thích cây thì đừng ngại rinh ngay cho mình một cây nhé!
Bài viết liên quan
【Khám phá】Cây Vạn Lộc ra hoa mang ý nghĩa gì?
Cây Vạn Lộc ra hoa có mang lại ý nghĩa đặc biệt gì cho gia...
Cây thiết mộc lan có tác dụng gì? Đặt cây ở đâu phù hợp?
Cây thiết mộc lan là một trong những cây xanh được ưa chuộng để trang...
Cây thiết mộc lan hợp mệnh gì và nên đặt cây ở đâu hợp phong thủy?
Cây Thiết Mộc Lan (tên trong khoa học: Dracaena fragrans ) là loại cây cảnh...