Cây kim ngân (Pachira aquatica), hay còn gọi là cây tiền, cây thắt bím, là một loại cây cảnh rất được ưa chuộng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ngoài hình dáng đặc biệt, Kim ngân còn là cây phong thuỷ giúp chiêu tài, rước lộc, đặc biệt là trong kinh doanh.

Đặc điểm của cây kim ngân
Cây Kim Ngân có tên khoa học là Pachira aquatica, là một loại cây cảnh rất phổ biến, được nhiều người ưa chuộng vì ý nghĩa phong thủy tốt đẹp và vẻ ngoài xanh mát, dễ chăm sóc. Có nguồn gốc từ các vùng đầm lầy Trung và Nam Mỹ như Mexico, Brazil và một số quốc gia Trung Mỹ.

Tổng quan về cây Kim ngân:
- Tên thông thường: Cây Kim Ngân
- Tên khác: Cây bím tóc, cây thắt bím, Money Tree
- Tên khoa học: Pachira aquatica
- Tên tiếng Anh: Money Tree
- Họ: Cẩm quỳ (Malvaceae)
- Nguồn gốc: Các vùng đầm lầy Trung và Nam Mỹ như Mexico, Brazil và một số quốc gia Trung Mỹ.
- Phân bổ: Sinh trưởng mạnh ở các khu vực như Mexico, miền bắc Brazil và một số quốc gia thuộc Trung Mỹ. Hiện nay phổ biến ở nhiều vùng nhiệt đới và được trồng làm cảnh trên toàn thế giới.
Cây Kim Ngân là loài cây nhiệt đới có sức sống mãnh liệt, dáng uy nghi với tán lá xòe rộng và xanh tốt quanh năm.
- Thân cây dẻo dai, thường được người trồng khéo léo uốn và tết lại với nhau. Hình dáng “thắt bím” này tạo nên vẻ ngoài lạ mắt. Vỏ cây non có màu xanh mướt, khi trưởng thành chuyển dần sang màu xám nâu vững chãi.
- Lá Kim Ngân là dạng lá kép chân vịt vô cùng đặc trưng. Mỗi cuống lá thường mọc ra 5-7 lá chét hình bầu dục, đầu lá hơi nhọn và có màu xanh lục bóng bẩy, mơn mởn đầy sức sống.
- Hoa Kim Ngân khá lớn và lộng lẫy, thường nở vào ban đêm từ tháng 04 đến tháng 11. Hoa có màu trắng kem hoặc vàng nhạt, đặc biệt là phần nhị dài tỏa ra xung quanh trông như những bông pháo hoa rực rỡ. Tuy nhiên, nếu trồng cây trong nhà hoặc trong chậu nhỏ, bạn sẽ ít có dịp chiêm ngưỡng hoa Kim Ngân.
- Quả có kích thước lớn, hình bầu dục, vỏ màu nâu. Khi chín, quả sẽ tự nứt ra, để lộ khoảng 10-20 hạt bên trong. Hạt này có thể ăn được sau khi chế biến. Tương tự như hoa, quả cũng khó gặp khi trồng chậu.
- Cây Kim Ngân có rễ cọc phát triển mạnh mẽ, giúp cây đứng vững và hút chất dinh dưỡng hiệu quả.
Ngày nay, cây Kim Ngân có sự đa dạng đáng kinh ngạc về kích thước và kiểu dáng, phù hợp với mọi không gian. Từ những cây nhỏ xinh chỉ khoảng 40cm với thân thắt bím độc đáo để bàn làm việc, kệ sách, đến những cây thân trụ dáng bonsai uy nghi, cổ kính có thể trồng trong chậu hoặc thậm chí là thủy sinh. Với những không gian rộng hơn, bạn có thể chọn cây Kim Ngân lớn đến 6m để trang trí ban công, trước cửa nhà, gốc cầu thang hay hành lang, tạo điểm nhấn xanh mát và thu hút tài lộc mạnh mẽ.
Cây Kim Ngân không chỉ chinh phục chúng ta bằng vẻ ngoài ấn tượng và dễ chăm sóc mà còn bởi giá trị về sức khoẻ và tinh thần to lớn mà nó mang lại.
Tác dụng của cây kim ngân
Trong tự nhiên, cây Kim Ngân trưởng thành có thể được lấy gỗ, nhưng khi về với không gian sống hiện đại, chúng trở thành cây cảnh trang trí nội thất, tô điểm cho căn nhà, văn phòng hay trong các tiểu cảnh non bộ thêm sinh động.

Cây kim ngân là thuộc top những loại cây lọc không khí tốt nhất, nó chuyển hóa các chất thải gây hiệu ứng nhà kính thành oxy, chi tiết cây kim ngân có khả năng lọc các loại khí thải:
- Xylene, Formaldehyde: là các khí thải của xe hơi, xe gắn máy, các khí thải của ngành nhựa, đồ da, keo, sơn… Cây kim ngân có thể lưu trữ và làm giảm các chất này trong không khí phạm vi bán kính 5m
- Amoniac: Đây là khí thải của các chất như thuốc lá các bộ phận linh kiện máy móc, khói thuốc lá đây là chất ô nhiễm gây đau ngực, khó thở, sưng phổi và gây ung thư phổi rất cao.
- Ngoài ra cây kim ngân còn có khả năng làm giảm các chất benzen, Trichloroethylene có trong không khí
- Ngoài ra cây kim ngân còn có tác dụng đuổi muỗi.
Màu xanh dịu mát của lá cây còn giúp thư giãn hiệu quả sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Đặc biệt, Kim Ngân là quà tặng khai trương hay tân gia đầy ý nghĩa, thay cho lời chúc công danh thăng tiến, tiền bạc dồi dào.
Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ khi chăm sóc cây là nhựa Kim Ngân có chứa độc tố, vì thế bạn nên cẩn thận tránh để nhựa dính vào da hoặc mắt nhé.
Ý nghĩa phong thủy của cây kim ngân
Cây Kim Ngân dáng nhỏ thường được trồng trong chậu nhỏ hoặc bình thủy tinh nơi bàn làm việc, là một trong những loài cây phong thủy được rất nhiều người lựa chọn để trang trí và giúp cân bằng âm dương ngũ hành cho không gian nội thất văn phòng. Theo quan niệm của Phương Đông, cây kim ngân phong thủy có nghĩa là cây tiên, đem lại cho người trồng nhiều may mắn và thịnh vượng trong vấn đề tiền bạc, làm ăn.

Trong phong thủy, bên cạnh Kim tiền, Kim Ngân được xem là biểu tượng hàng đầu cho sự giàu có, thịnh vượng và may mắn. Tên gọi của cây đã nói lên tất cả: “Kim” nghĩa là vàng, “Ngân” nghĩa là tiền bạc. Ghép lại, “Kim Ngân” mang hàm ý hút tiền tài, sự giàu sang, phú quý về cho gia chủ. Thậm chí, ngay cả tên tiếng Anh “Money Tree” cũng trực tiếp thể hiện ý nghĩa liên quan đến tiền bạc này.
Bên cạnh đó, mỗi cuống lá của cây Kim Ngân thường có 5 lá chét, tượng trưng cho 5 yếu tố trong Ngũ hành là “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”. Giúp cân bằng năng lượng trong không gian sống, tạo ra sự hài hòa, ổn định và thu hút vượng khí.
Thêm vào đó, từng đặc điểm của cây Kim Ngân cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc:
- Thân bện xoắn: Những thân cây được tết lại với nhau (thường là 3 hoặc 5 thân) không chỉ tạo nên hình dáng độc đáo mà còn tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó bền chặt. Đồng thời, dáng bện xoắn còn được hiểu là cách giữ chặt tài lộc, không cho thất thoát.
- Dáng đứng vững chãi: Thân cây hình trụ, mập mạp và đứng vững hiên ngang thể hiện sự kiên cường, bất khuất, giống như phẩm chất của bậc chính nhân quân tử.
- Lá xum xuê xanh tốt quanh năm: Tán lá rộng, xanh mướt tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi nảy nở không ngừng. Cây xanh tốt quanh năm cũng là biểu tượng của sự thịnh vượng bền vững, sức sống mãnh liệt và nguồn tiền bạc dồi dào liên tục chảy vào.
Số lượng thân cây Kim Ngân được trồng và tết trong chậu cũng mang những ý nghĩa đặc biệt:
- Thế “Trụ Thiên” (1 cây): Chỉ có một thân cây to lớn, mập mạp đứng thẳng. Đây là biểu tượng của sự kiên định, vững vàng, ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp và hoài bão. Thế này rất hợp đặt trên bàn làm việc để nhắc nhở bản thân luôn mạnh mẽ và quyết đoán.
- Thế “Phúc – Lộc – Thọ” (3 cây): Ba thân cây được tết lại với nhau, tượng trưng cho ba điều ước lớn nhất của con người: Phúc (may mắn, an lành), Lộc (tài lộc, công danh), Thọ (sức khỏe, trường thọ). Đây còn là thế Tam Tài, đại diện cho Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.
Thế “Ngũ Phúc” (5 cây): Năm thân cây tết lại biểu tượng cho ngũ phúc lâm môn: Phúc (may mắn), Lộc (tài lộc), Thọ (sức khỏe), An (bình an), Khang (khỏe mạnh). Thế Ngũ Phúc mang ý nghĩa về sự đủ đầy, hài hòa và viên mãn, thường được đặt ở phòng khách để lan tỏa năng lượng tốt đẹp đến toàn bộ gia đình.
Với những ý nghĩa đặc biệt và sâu sắc như vậy, thật không lạ khi Kim Ngân trở thành loài cây phong thủy có mặt hầu như ở khắp các văn phòng làm việc hay gia đình của nhiều người.
Mệnh, tuổi hợp cây Kim ngân
Cây Kim ngân có lá xoè 5 nhánh, là biểu tượng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vì thế, cây Kim Ngân hợp với tất cả các mệnh. Tuy nhiên, nên chọn chậu có màu phù hợp với bản mệnh.
Không chỉ hài hòa với bản mệnh, cây Kim Ngân còn là người bạn đồng hành lý tưởng giúp khắc phục những nhược điểm tính cách và mở đường cho sự thành công của nhiều người thuộc tuổi Tuất, Thân và Tý.
- Người tuổi Tuất: Thông minh, nhạy bén, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Kim Ngân giúp người tuổi Tuất củng cố vị thế, làm việc gì cũng thuận buồm xuôi gió, gặt hái thành công lớn hơn.
- Người tuổi Thân: Nhanh nhẹn, khéo léo, đặc biệt nhạy bén trong các vấn đề tài chính, đồng thời rất tự tin và cầu tiến. Sở hữu cây Kim Ngân giúp người tuổi Thân giữ gìn tài sản, củng cố tài vận, tránh thất thoát.
- Người tuổi Tý: Có khả năng kiếm tiền và ý thức tích góp tốt, nhưng đôi khi lại thiếu sự nhanh nhạy trong đầu tư. Cây Kim Ngân sẽ mang đến cho người tuổi Tý vận may, những cơ hội tốt để đầu tư sinh lời, giúp tài sản sinh sôi nảy nở.
Đối với những người thuộc các tuổi còn lại, cây Kim Ngân vẫn phát huy tác dụng tích cực, giúp tôn lên những nét tính cách tốt đẹp như sự nhạy bén, linh hoạt, từ đó giúp con đường sự nghiệp và cuộc sống của họ thêm rộng mở, suôn sẻ.
Nhờ vào những ý nghĩa phong thủy tích cực, Kim ngân rất được yêu thích và có nhiều ứng dụng trong cuộc sống.
Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây kim ngân
Chăm sóc Kim Ngân không quá phức tạp, bạn chỉ cần đặt cây ở nơi mát mẻ và có ánh sáng gián tiếp, tưới nước khi mặt đất khô, tưới phun sương cách ngày và phơi nắng 2 lần/tuần. Vấn đề thường gặp của cây là ngập úng dẫn đến thối rễ và vàng lá, lá khô ở đầu lá do thiếu ẩm.

Hướng dẫn chăm sóc Kim ngân chi tiết:
- Ánh sáng: Cây ưa sáng nhưng không chịu được ánh nắng gắt trực tiếp. Nên đặt cây ở nơi có ánh sáng gián tiếp, ánh sáng khuếch tán (gần cửa sổ, ban công có mái che). Nếu thiếu sáng, lá cây có thể bị vàng và rụng.
- Nhiệt độ và độ ẩm: Cây phát triển tốt ở nhiệt độ phòng khoảng 18-28°C, ưa độ ẩm trung bình đến cao. Nên nếu không khí quá khô, có thể phun sương nhẹ cho lá.
- Nước: Kim Ngân không ưa ẩm ướt quá nhiều, nên chỉ tưới khi đất trên bề mặt chậu đã khô khoảng 1-2cm. Khi tưới cần tưới đẫm cho nước chảy ra lỗ thoát ở đáy chậu, sau đó để ráo hoàn toàn, tránh để đĩa hứng bị đọng nước gây úng rễ. Tầng suất tưới nước khoảng 1-2 lần/tuần tùy điều kiện thời tiết và độ ẩm môi trường.
- Đất trồng: Cần đất tơi xốp, thoát nước tốt. Có thể trộn đất thịt với trấu hun, xơ dừa, phân hữu cơ.
- Phân bón: Bón phân định kỳ 1-2 tháng/lần bằng phân NPK hoặc phân hữu cơ, phân trùn quế.
- Cắt tỉa: Cắt tỉa cành lá già, úa, hoặc cành mọc không mong muốn để cây thông thoáng và giữ dáng đẹp.
- Thay chậu: Khoảng 1-2 năm/lần hoặc khi thấy rễ đã lấp đầy chậu.
Kim Ngân ít sâu bệnh nhưng cần tránh tưới quá nhiều nước gây thối rễ, lá vàng úa, vì thế đảm bảo chậu cây thoáng khí, tránh ngập úng. Đây là cây bóng râm, ưa ánh sáng yếu vì thế đặt cây ở nơi có ánh sáng trực tiếp hoặc phơi nắng quá lâu và thời gian nắng gắt cũng khiến lá cây bị héo úa.
Nhân giống cây Kim ngân
Cây Kim Ngân có thể được nhân giống bằng một số phương pháp, giâm cành là cách đơn giản và tiện lợi nhất cho hầu hết người trồng cây cảnh tại nhà để nhân giống cây Kim Ngân. Thời điểm tốt nhất để giâm cành là mùa xuân hoặc đầu hè, khi cây đang trong giai đoạn phát triển mạnh.
- Chọn cành giâm: Chọn cành khỏe mạnh, không sâu bệnh, có ít nhất 2-3 mắt lá (nách lá). Cành bánh tẻ (không quá non, không quá già) là tốt nhất.
- Cắt cành: Dùng dao/kéo sắc cắt một đoạn cành dài khoảng 10-15cm. Vết cắt nên chéo để tăng diện tích hút nước và ra rễ.
- Xử lý cành giâm: Loại bỏ hết lá ở phần gốc (khoảng 1/3 – 1/2 cành tính từ dưới lên) để tránh thối khi cắm vào giá thể. Nếu lá phía trên quá to, bạn có thể cắt bớt 1/2 lá để giảm sự thoát hơi nước. (Tùy chọn) Nhúng phần gốc cành vào dung dịch kích rễ theo hướng dẫn trên bao bì.
- Giâm cành: Cắm phần gốc cành đã xử lý vào giá thể đã chuẩn bị, sâu khoảng 3-5cm. Nén nhẹ giá thể quanh gốc để cành đứng vững. Nếu giâm nhiều cành trong cùng một khay, giữ khoảng cách giữa các cành để không khí lưu thông.
- Tưới nước và tạo độ ẩm: Tưới nhẹ cho giá thể đủ ẩm. Dùng túi nilon trong trùm lên chậu/khay giâm hoặc dùng nửa chai nhựa úp lại để giữ ẩm (tạo hiệu ứng nhà kính mini). Mở ra một chút mỗi ngày để thông thoáng, tránh úng.
- Chăm sóc sau giâm: Đặt chậu/khay giâm ở nơi có ánh sáng gián tiếp, ấm áp, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và giữ cho giá thể luôn ẩm nhưng không sũng nước. Sau khoảng 3-6 tuần (tùy điều kiện), cành sẽ bắt đầu ra rễ và nảy mầm mới. Khi thấy rễ phát triển tốt và có lá non, bạn có thể từ từ mở túi nilon để cây thích nghi với môi trường bên ngoài, sau đó trồng ra chậu riêng.
Cây kim ngân không chỉ mang lại vẻ đẹp cho không gian sống và làm việc mà còn có ý nghĩa phong thủy tốt lành. Cây được tin là có khả năng thu hút vượng khí, mang đến sự giàu có, thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Vì thế, đừng ngại rinh một chậu cây để trên bàn làm việc, quần thu ngân, phòng khách, … để thu hút may mắn cho mình nhé!
Bài viết liên quan
Cây kim ngân hợp mệnh gì? Tuổi gì? Và ý nghĩa phong thủy của cây
Cây kim ngân lượng là một loại cây cảnh có vẻ đẹp độc đáo, sang...
Cây Kim Ngân thủy sinh để bàn: Thu hút khách hàng, loại cây “Must have” của người kinh doanh
Khám phá bí quyết chọn và chăm sóc cây kim ngân thủy sinh để bàn,...
Cây lưỡi hổ: nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, tác dụng, cách trồng & chăm sóc
Cây lưỡi hổ được biết đến là loại cây cảnh nội thất đứng đầu trong danh...